Giữ uy tín, thương hiệu sản phẩm OCOP

 

(CMO) Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng thực phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng ngày càng cao... Sản phẩm OCOP cấp tỉnh phần nào đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm sau công nhận OCOP là yếu tố quan trọng, góp phần giữ vững uy tín thương hiệu, sự sống còn của sản phẩm trên thương trường.

Huyện Đầm Dơi có 19 sản phẩm OCOP và 29 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Huyện tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo ý kiến từ các chủ thể làm OCOP, việc hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP là cả quá trình, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều từ chủ thể. Do đó, khi hoàn thành mục tiêu, họ càng quyết tâm nuôi dưỡng "đứa con tinh thần” đó thật tốt, để vươn xa trên thị trường.

Trong chuỗi sự kiện “Họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau những ngày cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của nhiều chủ thể trong số 90 chủ thể, với 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng của tỉnh Cà Mau và các tỉnh bạn được trưng bày, quảng bá.

Khô cá bổi OCOP 3 sao Tám Oanh (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).

Chị Phạm Thị Dung, Giám đốc Hợp tác xã bồn bồn Minh Duy, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, cho biết: “Để hoàn thiện các bước cho sản phẩm OCOP mất khá nhiều thời gian, công sức, với đầy đủ các tiêu chuẩn như: công bố chất lượng sản phẩm; mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm, gắn với câu chuyện về sản phẩm… Đạt chuẩn OCOP 3 sao là cơ sở bước đầu để khẳng định thương hiệu sản phẩm. Câu chuyện sau đó là chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa, thông qua ý kiến phản hồi từ khách hàng để chuẩn hoá sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng”.

Gần đây, khi dịch bệnh ổn định, tỉnh Cà Mau tăng cường tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản quê hương đến mọi miền đất nước. Cùng với tỉnh Cà Mau, trong đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP vừa qua,  9 gian hàng của 6 doanh nghiệp các tỉnh bạn tham gia kết nối giao lưu, trưng bày, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của mình, như: ốc treo giàn bếp (Đồng Tháp); các sản phẩm từ nọc rắn hổ mang (Trại rắn Đồng Tâm - Tiền Giang), một số loại gạo đặc sản của Sóc Trăng, Tiền Giang…

Chị Nguyễn Thị Anh Đào, nhân viên bán hàng Công ty TNHH MTV Hồng Tân (Sa Đéc, Đồng Tháp), cho biết, công ty thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước nhằm quảng bá đặc sản quê hương đến với mọi người. Đặc biệt, công ty ưu tiên giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương, như: gạo ngọc đỏ Hương Dứa, gạo ST24, gạo tím, gạo an toàn, ống hút từ gạo đỏ, đặc sản ốc treo giàn bếp… Đây là các sản phẩm đặc trưng, với chất lượng vượt trội, được công ty chọn lọc kỹ lưỡng trước khi giới thiệu, quảng bá đến khách tiêu dùng.

Ốc treo giàn bếp, món đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp, cùng với trên 100 sản phẩm khác có mặt tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP MeKong.

Việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm là cơ hội để các chủ thể OCOP, hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm bán hàng, bí quyết tạo sản phẩm bắt mắt, thu hút khách hàng, đi vào các hệ thống tập đoàn, siêu thị lớn, góp phần thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, lợi nhuận trong kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng sản phẩm cần được các chủ thể quan tâm, cũng như các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ thể thực hiện nghiêm ngặt vì sản phẩm OCOP không chỉ mang ý nghĩa là thương hiệu, uy tín của tỉnh mà còn quyết định sự sống còn của sản phẩm trên thị trường./.

 

Loan Phương thực hiện