Thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội Miền Nam

Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội SIB Miền Nam đã ra mắt tại TPHCM. Trung tâm được thành lập nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, đặc biệt tập trung vào khu vực phía Nam.

Ảnh minh họa
SIB Miền Nam thành lập. 

SIB Miền Nam do một số tổ chức đồng sáng lập, với mục tiêu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xã hội, phát triển hệ sinh thái kinh doanh tạo tác động xã hội.

Ông Nguyễn Đức Nhân – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus cho biết, hiện tại, SIB Miền Nam đã xây dựng được mạng lưới trên 140 thành viên là các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, viện nghiên cứu,… và đang xây dựng showroom online cũng như offline tại TPHCM, để các thành viên có thể trưng bày sản phẩm, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.

Ban Chủ nhiệm Dự án Hỗ trợ Kinh doanh tạo tác động SIB Miền Nam cho biết, Trung tâm sẽ kết nối nguồn lực của các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, quỹ đầu tư,...; hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về hệ sinh thái kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam và các nước khác trên thế giới. 

Ảnh minh họa

SIB Miền Nam do một số tổ chức đồng sáng lập, với mục tiêu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xã hội, phát triển hệ sinh thái kinh doanh tạo tác động xã hội. Ảnh MD.

Ngoài ra, SIB Miền Nam còn cung cấp các dịch vụ như đào tạo, tư vấn (đầu tư, tài chính,…) và chuyển giao công nghệ, nhận uỷ thác các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh tạo tác động xã hội. Đây cũng là nơi cung cấp môi trường thực tập cho sinh viên yêu thích kinh doanh sáng tạo xã hội.

Theo báo cáo thị trường của Nielsen, thị trường toàn cầu cho các sản phẩm ”xanh” đang tăng trưởng nhanh hơn và đem lại nhiều lợi nhuận hơn so với các sản phẩm “nâu” cùng loại. 

Quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22,4% từ năm 2022 đến năm 2030 (Báo cáo của Grand View Research Group 2022). Chuyển dịch sang mô hình kinh tế xanh có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới vào năm 2030 (Báo cáo của ILO, 2022), và có 63% người tiêu dùng cân nhắc yếu tố phát triển bền vững của các thương hiệu khi ra quyết định mua hàng (Khảo sát của McKinsey, 2022).

Vì thế, kinh tế xanh mở ra những cánh cửa mới cho tăng trưởng xuất khẩu thông qua các giải pháp phát triển công nghệ xanh để nâng cao năng suất và hiệu quả, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, mở ra các thị trường mới, tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế xanh, giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh.

Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó 3 Hiệp định thế hệ mới. Các hiệp định này đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế và lĩnh vực xuất khẩu.
Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: Nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải; tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041. Thị trường Hoa Kỳ cũng đòi hỏi chất lượng rau quả nhập khẩu từ các nước (trong đó có Việt Nam) phải vượt qua những tiêu chuẩn được đưa ra bởi Chương trình Bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ) hay Đạo luật Bảo vệ thực vật (PPA)…

Mị DungẢnh minh họa
63% người tiêu dùng cân nhắc yếu tố phát triển bền vững của các thương hiệu khi ra quyết định mua hàng (Khảo sát của McKinsey, 2022). Ảnh MD.