Năm 2021,Thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5) sao.
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2025: Đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 01 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm mỗi quận, huyện, thị xã phát triển ít nhất 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Phấn đấu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử;…).
Nhằm kịp thời hỗ trợ các chủ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố) đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch; Văn phòng Điều phối NTM Thành phố đã triển khai Kế hoạch Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội cho các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP cũng như triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm các cấp.