Bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt

TTO - Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng chóng mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn một năm qua.

Trong đó các hình thức thanh toán "sạch", thanh toán không tiếp xúc như thẻ không tiếp xúc, ví điện tử - QR code... đang lấn át trả bằng tiền mặt.
Bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán không tiếp xúc Sacombank Contactless tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Chuyển dịch từ offline sang online

Làm việc tại nhà từ khi TP.HCM giãn cách, chị Minh Thủy (TP Thủ Đức) cho hay chị trở thành tín đồ cuồng mua sắm. Ngoài đồ ăn thức uống, chị còn mua sắm các vật dụng tiện ích trong gia đình như robot hút bụi, nồi chiên không dầu, máy lọc không khí, gần đây thì đến các mặt hàng thời trang, đồ mặc ở nhà.

"Trước đây đi làm cả ngày bận rộn tôi có ít thời gian mua sắm, còn ở nhà cứ rảnh là tôi lướt mạng, đặt mua rồi thanh toán online luôn bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản, rất tiện", chị Minh Thủy nói.

Chị Hoài An (Phú Nhuận) cũng cho hay trước đây không thường xuyên mua hàng online nhưng qua hai mùa dịch, "trình" mua sắm và thanh toán online của chị tăng vài bậc. Thanh toán online đã giúp chị rất nhiều trong hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh dịch.

Không chỉ chuyển khoản như trước, giờ chị còn thanh toán online, thanh toán qua ví điện tử, nạp tiền điện thoại qua ví, đặt đồ ăn trả tiền qua app...

Sau đó thành quen, những thời điểm dịch giảm có thể đi mua sắm tại trung tâm thương mại, chị quét mã QR hoặc thanh toán kiểu tap to phone... "Đây là những hình thức thanh toán mà trước dịch tôi chưa từng thử", chị Hoài An cho hay.

Chị Trần Thu Huệ, nhân viên một công ty bảo hiểm ở Hà Nội, cũng cho hay việc thanh toán giờ quá tiện lợi. "Mấy tháng nay, tôi gần không tiêu đến tiền mặt. Mọi thanh toán từ học phí cho con, tiền điện, nước, điện thoại, thậm chí trả tiền cà phê... đều qua chiếc điện thoại.

Ngay cả đi siêu thị giờ cũng online, tôi chỉ cần vào ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại để đi chợ. Sau tầm 15 phút mua hàng và thanh toán bằng chuyển khoản, thực phẩm, rau xanh, trái cây, nước giặt... được giao đến tận cửa nhà" - chị Huệ kể.

Doanh số tăng thẳng đứng

Cập nhật số liệu mới nhất về thanh toán không tiền mặt, lãnh đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia VN (Napas) cho hay 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020.

Các con số trên cho thấy người dân lựa chọn phương thức mua sắm, chi tiêu trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngược lại với tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao, theo Napas, tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020 và 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Các con số này ghi nhận kết quả tích cực việc triển khai, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.

Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, ông Phạm Đức Duy, giám đốc trung tâm thẻ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cho hay doanh số thanh toán không dùng tiền mặt 5 tháng đầu năm 2021 tại Sacombank tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó thanh toán online tăng 70% do ngân hàng tập trung đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc hạn chế lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt là tăng trưởng mạnh của dịch vụ thanh toán online thông qua việc cung cấp dịch vụ cổng thanh toán cho các đối tác thương mại điện tử.

"Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng, người Việt Nam ít có cơ hội dùng tiền mặt hơn. Các hình thức thanh toán không tiếp xúc gồm thẻ không tiếp xúc, ví điện tử - QR code, giao dịch mua hàng online rất được ưa chuộng", ông Duy nói.

Bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 2.

Nguồn: NHNN - Đồ họa: N.KH.

Nhiều tiện ích cho người tiêu dùng

Ông Phạm Đức Duy cũng cho biết Sacombank đầu tư mạnh cho các giao dịch thanh toán không tiếp xúc trong nhiều năm trở lại đây và xu thế này thực sự bùng nổ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, vừa an toàn vừa tiết giảm chi phí. Trong đó 3 hình thức thanh toán không tiếp xúc được đẩy mạnh là tap to phone, thanh toán QR và thanh toán online.

Với hình thức tap to phone (công nghệ chấp nhận thanh toán cho phép doanh nghiệp biến điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android thành thiết bị chấp nhận thanh toán thay thế cho máy POS truyền thống), rất phù hợp các đơn vị chấp nhận thanh toán là các cửa hàng tạp hóa, tiểu thương chợ truyền thống, đơn vị bảo hiểm, các shipper giao hàng, các quán ăn, việc thanh toán vé xe hay ngay cả việc phạt vi phạm giao thông của công an giao thông... Do vậy sau 5 tháng triển khai đã có gần 3.000 điểm bán cài đặt ứng dụng này.

"Doanh số thanh toán QR cũng tăng gần 60% so với cùng kỳ. Với thanh toán online, doanh số chấp nhận thanh toán online của Sacombank hiện chiếm vị trí số 1 tại Việt Nam, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng từ tháng 5 đến nay, đặc biệt trong hai tuần qua khi nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tại Sacombank tăng mạnh", ông Phạm Đức Duy chia sẻ.

Ông Trần Quốc Anh, giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết thanh toán không tiền mặt trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng vượt bậc so với cùng kỳ 2020. Như thanh toán bằng thẻ HDBank tại đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán trực tuyến, QR code... trong 5 tháng đầu năm 2021 so với 5 tháng đầu năm 2020 có tỉ lệ tăng trưởng gấp 5 lần.

Đặc biệt, dịch vụ thanh toán QR code trên app HDBank dù mới được HDBank triển khai đầu năm 2020 nhưng đã tăng trưởng đột biến, 5 tháng đầu năm 2021 doanh số tăng tới 682%, số lượng giao dịch tăng 528% so với 5 tháng đầu 2020.

"Tính từ tháng 3 đến nay khi dịch COVID-19 diễn biến trở lại và ngày càng phức tạp hơn, doanh số và số lượng thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng số HDBank, app HDBank tăng khoảng 12% so với các tháng trước đó. Giao dịch trực tuyến (bao gồm các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán) mới tăng đột biến với tổng doanh số tăng 45% và tổng số lượng giao dịch tăng 22%", ông Trần Quốc Anh tiết lộ.

Đại diện VietinBank cho hay đã tập trung phát triển các tính năng "phi tiếp xúc" như rút tiền mặt bằng mã QR, thanh toán bán bảo hiểm, vay thấu chi online... nhằm mang tới sự thuận tiện cũng như tạo sự an toàn, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch cho khách hàng.

Nhờ những nỗ lực đó, trong năm 2020, dịch vụ VietinBank iPay mobile có số khách hàng sử dụng dịch vụ này tăng 50% và lượng giao dịch tăng 120% so với năm 2019. Còn với khách hàng doanh nghiệp, số lượng giao dịch kênh ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp (VietinBank eFAST) năm 2020 tăng gần 210% so với năm 2019.

Bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết nghiên cứu mới nhất của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng cho thấy người Việt Nam kỳ vọng rằng đất nước sẽ tiến đến một xã hội không tiền mặt vào năm 2030, 84% số người được khảo sát đã chuyển đổi sang các hình thức kỹ thuật số và không sử dụng tiền mặt.

8 triệu tỉ đồng

Đó là số tiền được chuyển và xử lý qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas 5 tháng đầu năm 2021.

Ông Phạm Tiến Dũng (vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước):

Thanh toán điện tử "hút" khách hàng

Quý 1 năm nay, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng, tăng 103% về giá trị; kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỉ đồng, tăng 146%...

Đặc biệt, hằng ngày các hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 25 tỉ USD. Đây là con số tăng trưởng rất mạnh.

Để khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt, các chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng triển khai.

Việc miễn giảm phí chuyển tiền nhằm thực hiện tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến của khách hàng và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp an toàn, giảm bớt khó khăn trước tác động của đại dịch COVID-19.