(Xây dựng) - Cách đây đúng 116 năm, ngày 25 tháng 12 năm 1899, trên mảnh đất ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý ngày nay (tức trên địa phận làng Hạ Lý, tổng Lạc Viên, huyện An Dương ngày xưa). Nhà máy Xi măng Hải Phòng (XMHP) chính thức được khởi công xây dựng, đích thân Toàn quyền Đông Dương Pôn Đume đã đặt khối đá vôi lớn tại chân móng lò nung đánh dấu sự ra đời nhà máy, cũng là sự ra đời một huyền thoại về một nhà máy trường tồn và phát triển qua ba thế kỷ biết bao thăng trầm, biến đổi: Cuối thế kỷ 19, trọn vẹn thế kỷ 20 và bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21.
Lịch sử 116 năm xây dựng và trưởng thành của nhà máy gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, với lịch sử phát triển của TP.Hải Phòng, của Tổng công ty Công nghiệp XMVN, với sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam, với quá trình đấu tranh giành độc lập Dân tộc, xây dựng và bảo vệ XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Lãnh tụ kính yêu! Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Dưới thời thuộc Pháp, Nhà máy xi măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Do máy móc thiết bị còn thô sơ lạc hậu, điều kiện làm việc nặng nhọc, lại bị áp bức bóc lột nặng nề nên công nhân Xi măng đã đứng lên đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành một trong những lực lượng tiên phong cách mạng ở Hải Phòng và cả nước; năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập; cuối năm 1928, tổ chức Công hội đỏ ra đời; tháng 08/1929, thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Nhà máy.
Ngày 08/01/1930, Chi bộ Đảng Xi măng phát động một cuộc bãi công lớn trong toàn Nhà máy đòi tăng lương, trả lương đúng kỳ, chống đánh đập, cúp phạt và ủng hộ cuộc bãi công của công nhân nhà máy Dệt Nam Định, công nhân hãng Avia Hà Nội. Cuộc bãi công đã giành được thắng lợi. Ngày 8 tháng Giêng trở thành ngày truyền thống của nhà máy Xi măng Hải phòng, nay trở thành ngày truyền thống Công nhân viên chức ngành Xi măng Việt Nam.
Giai đoạn 1930 - 1945, công nhân Xi măng Hải Phòng đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực đấu tranh chống đế quốc và bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ năm 1946 đến 1954 là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch ở nhà máy: địch tìm mọi cách để chống phá cơ sở cách mạng, thúc ép sản xuất xi măng phục vụ kế hoạch xâm chiếm trở lại miền Bắc; ta thì kiên quyết giữ và phát triển phong trào, tìm mọi cách để tiêu hao kinh tế địch. Công nhân Xi măng Hải Phòng đã phát huy sức mạnh của mình, sáng tạo các hình thức đấu tranh, đóng góp những bài học kinh nghiệm nhất định trong việc xây dựng và bảo vệ phong trào cách mạng và chính quyền cách mạng non trẻ.
Sau khi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ được ký kết tháng 07/1954, Hải Phòng là khu vực tập kết 300 ngày, nơi rút quân cuối cùng của đế quốc Pháp ở miền Bắc. Chủ Pháp lợi dụng thời gian còn lại tranh thủ sản xuất xi măng; tổ chức di chuyển, bán các loại phụ tùng, vật tư quí hiếm; phá huỷ một số máy móc và lôi kéo, dụ dỗ, cưỡng bức những thợ giỏi vào Nam. Trước hành động của địch, công nhân Xi măng Hải Phòng đã có nhiều hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt; không cho địch phá hoại, tháo dỡ máy móc, phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, nổi bật là cuộc đấu tranh của hơn 3.000 công nhân ngày 04 tháng Giêng năm 1955 chống âm mưu phá hoại của chủ Pháp nhằm tháo dỡ di chuyển máy móc, thiết bị và ép công nhân di cư vào Nam đã giành thắng lợi; tạo điều kiện cho bộ đội ta tiếp quản Nhà máy được thuận lợi vào ngày 12/05/1955.
Đăng nhập Bình luận